Xét nghiệm Thalassemia cho Thai nhi

Thalassemia hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh ngày càng được nhiều người biết đến và quan tâm hơn. Hiện nay có trên 20.000 người bị Thalassemia cần phải điều trị cả đời và mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai (1). Đây là một căn bệnh khó chữa, nhưng lại dễ phòng ngừa. Phòng bệnh là biện pháp kiểm soát hiệu quả nhất thông qua các xét nghiệm sàng lọc, phát hiện gen bệnh trong gian đoạn tiền hôn nhân và tiền sinh.

Hiện nay phương pháp sàng lọc tiền sinh phổ biến nhất vẫn là chọc ối. Chọc ối là thủ thuật xâm lấn thực hiện vào tuần thứ 16 đến 24 cho thai. Bác sĩ sẽ dùng kim xâm lấn vào bào thai để rút một lượng nước ối cần thiết. Sau đó, nước ối được dùng để thực hiện xét nghiệm xem thai nhi có bị Thalassemia hay không. Tuy nhiên, chọc ối có nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi mà phổ biến nhất là nhiễm trùng ối, nhiễm trùng nhau, sẩy thai, đẻ non, phạm thương thai nhi, stress tâm lý do lo lắng, đau do kim…

Từ lẽ đó, những năm gần đây trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, các nhà khoa học và bác sĩ đã bước đầu nghiên cứu nên một phương pháp xét nghiệm Thalassemia tiền sinh khác để giảm thiểu rủi ro nguy hiểm kể trên : ứng dụng DNA tự do của thai trong máu mẹ (cffDNA) để phát hiện gen bệnh Thalassemia mà không phải xâm lấn vào bào thai.

DNA tự do của thai nhi (cffDNA) là DNA thai nhi lưu hành tự do trong máu mẹ, có nguồn gốc từ lá nuôi phôi (trophoplasts), các nghiên cứu chỉ ra rằng có thể phát hiện cffDNA sớm nhất là ở tuần thứ 7 của thai kì và một số là tuần thứ 5. Lượng cffDNA tăng theo thai kỳ, giảm nhanh sau sinh và hầu như không thể phát hiện được khoảng 2 giờ sau sinh. Người ta ước tính rằng cffDNA chiếm khoảng 2-20% DNA tự do tổng số trong máu mẹ (3), (4). Theo một số bài nghiên cứu, kích thước trung bình của cffDNA <300 bp, nhỏ hơn rất nhiều so với các mảnh DNA tự do của mẹ (5).

Một số nghiên cứu về việc ứng dụng DNA tự do của thai nhi để phát hiện đột biến Thalassemia:

– Năm 2015, Mahboubeh và cộng sự đã dùng kỹ thuật allele-specific realtime PCR kết hợp làm giàu cffDNA qua gel để phát hiện đột biến được di truyền từ bố sang thai nhi, nghiên cứu này làm trên 10 mẫu máu thai phụ, 4 đột biến IVSI-1(G>A), IVSI-5(G>C), FR8/9(G+), VÀ CD44(-C), với tỉ lệ thành công là 100% (6).

– Tương tự, Chen và cộng sự cũng sử dụng AS-PCR cho các SNPs kết hợp làm giàu qua gel để phát hiện sự di truyền các đột biến CD41/42, IVSI-5 VÀ IVSII-654 từ bố hoặc mẹ sang thai nhi và đạt kết quả chính xác 8/8 mẫu (7).

– Năm 2016, nghiên cứu của Silvia Galbiati và cộng sự đã công bố thành công trong việc áp dụng kĩ thuật full COLD-PCR (coamplification at lower denaturation temperature-PCR) và microarray để phát hiện 7 đột biến β-thalassemia di truyền từ bố sang con bằng mẫu máu của 75 thai phụ (8).

– Ở Việt Nam, Trịnh Văn Bờ Em và cộng sự đã thành công sử dụng cffDNA và AS-PCR để phát hiện 3 đột biến phổ biến CD17, CD26 và CD41/42 ở 10 thai phụ thu tại bệnh viện Hùng Vương từ 05/2016 đến 05/2017 và kết quả thu được hoàn toàn giống với kết quả chọc ối (2).

Các nghiên cứu này mở ra cánh cửa về phương pháp phát hiện Thalassemia sớm cho thai nhi, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con, từ đó giúp các bậc cha mẹ nói chung và thai phụ nói riêng chủ động hơn trong thai kì.

Tuy nhiên, việc ứng dụng cffDNA này cần được nghiên cứu mở rộng thêm trên nhiều đột biến Thalassemia tại Việt Nam. Xa hơn nữa, cần đánh giá, so sánh hiệu quả giữa phương pháp PCR với các phương pháp khác cũng như mở rộng nghiên cứu trên các bệnh di truyền đơn gen khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Biên tập C​ổng T​h​ôn​g ti​​n ​điện​ t​ử ​​​B​​​ộ​​ Y tế​, Bộ Y tế (2018), http://moh.gov.vn/news/Pages/TinHoatDongV2.aspx?ItemID=2517
  2. Trịnh Văn Bờ Em, Nguyễn Vạn Thông, Nguyễn Thị Thanh Kiều, Đỗ Thị Thu Hằng; Bước đầu nghiên cứu ứng dụng DNA tự do của thai trong máu mẹ (cffDNA) trong xét nghiệm trước sinh không xâm lấn đối với bệnh β-thalassemia, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, (2017), Tập 33, 97-103
  3. Stumm M, Wegner R-D, Hofmann W., Cell-free fetal DNA in maternal blood: new possibilities in prenatal diagnostics, Laboratoriumsmedizin, (2012), 36(5)
  4. Sekizawa K., YokokawaY., SugitoY., IwasakiM., YukimotoY., Ichizuka K., Saito H.,, Okai T., Evaluation of bidirectional transfer of plasma DNA through placenta, Hum Genet, (2003),113(4): 307-310
  5. Chan K.C., Zhang J., Hui A.B., Wong N., Lau T.K., Leung T.N., Lo K.W., Huang D.W., Lo Y.M., Size distributions of maternal and fetal DNA in maternal plasma, Clin Chem, (2004), 50(1): 88-92
  6. Ramezanzadeh M., Salehi M., Farajzadegan Z., Kamali S., Salehi R.; Detection of paternally inherited fetal point mutations for β-thalassemia in maternal plasma using simple fetal DNA enrichment protocol with or without whole genome amplification: an accuracy assessment, J Matern Fetal Neonatal Med, (2016), 29(16): 2645-2649
  7. Chen J.J., Tan J.A., Chua K.H., Tan P.C., George E.; Non-invasive prenatal diagnosis using fetal DNA in maternal plasma: a preliminary study for identification of paternally-inherited alleles using single nucleotide polymorphisms, BMJ Open, (2015), 5(7): e007648
  8. Galbiati S., Monguzzi A., Damin F., Soriani N., Passiu M., Castellani C., Natacci F., Curcio C., Seia M., Lalatta F., Chiari M., Ferrari M., Cremonesi L.; COLD-PCR and microarray: two independent highly sensitive approaches allowing the identification of fetal paternally inherited mutations in maternal plasma, J Med Genet, (2016), 53(7): 481-487