Chế độ ăn uống với người có bệnh Thalassemia

Đối với bệnh nhẹ, thể ẩn không biểu hiện triệu chứng, bệnh nhân chỉ cần theo dõi định kỳ công thức máu mỗi năm hoặc những khi mệt. Bệnh ở thể nặng cần truyền máu định kỳ và có thể xảy ra biến chứng như: ứ sắt và loãng xương, chậm phát triển. Ngoài ra, khi truyền máu nhiều lần gây quá tải sắt, ứ sắt ở cơ quan nội tiết như tuyến thượng thận và tuyến thượng giáp là những cơ quan có chức năng điều hòa hấp thu canxi trong cơ thể. Khi đó sẽ xảy ra rối loạn tăng thải canxi ra ngoài, kém hấp thu canxi, dẫn đến loãng xương. Vì vậy, người bệnh cần có chế độ ăn phù hợp, chú ý lượng sắt và canxi. (1) Trước hết, ta cần tìm hiểu người khỏe mạnh bình thường cần nhu cầu sắt và canxi hằng ngày như thế nào ?

Nhu cầu sắt khuyến nghị cho người bình thường:

– Trẻ em 10 mg,

– Người lớn 15 mg,

– Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 20 – 30 mg, tối đa: 45 mg.

Nhu cầu canxi:

– Trẻ em < 15 tuổi: 600 – 700mg;

– Người lớn: 1.000mg,

– Phụ nữ mang thai: 1.200mg. (2)

Đối với bệnh nhân Thalassemia, do cơ thể bị ứ sắt nên cần chọn thực phẩm ít chất sắt và có nhiều canxi hơn người bình thường. Việc chọn thực phẩm cụ thể ở các nhóm như sau:

– Với nhóm đường bột (ngũ cốc), người bệnh ăn theo sở thích. Tuy nhiên, hạn chế các loại sản phẩm sấy khô do hàm lượng sắt cao.

– Nhóm đạm thực vật (các loại đậu): nên sử dụng sữa đậu nành vì rất tốt và bổ dưỡng với người bệnh thalassemia do hàm lượng sắt thấp và hàm lượng canxi cao nhất trong các loại hạt, lượng protein cũng rất cao. Tuy nhiên, các loại đậu khác nên hạn chế ăn do hàm lượng sắt cao.

– Nhóm đạm động vật:

+ Thịt: Nên chọn ăn các loại thịt ít chất sắt, như thịt heo, thịt gia cầm, thịt dê… Nên hạn chế ăn: Thịt bò, khô bò, gan heo, tim heo, pa – tê…

+ Cá: Ăn cá rất tốt cho sức khỏe người bệnh vì cá chứa ít chất sắt hơn thịt. Nên chọn một số loại cá hàm lượng canxi cao như cá trạch, cá nục, cá hồi….

+ Thủy sản: Các loại cua đồng, tép đồng, hến, ốc… không đắt tiền nhưng ít sắt, rất giàu canxi; hạn chế ăn các món thủy sản phơi khô và các loại sò.

+ Trứng, sữa: Nên ăn sữa chua, sữa tươi, sữa đặc, pho mát, sữa bột tách béo, hạn chế ăn lòng đỏ trứng. (2)

Người bị Thalassemia có sức đề kháng kém hơn do phải đối phó với tình trạng oxy hóa sắt và tình trạng thiếu máu do vỡ hồng cầu. Vì thế, cần có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng và cân bằng và tăng cường sức đề kháng. Một bữa ăn hiệu quả dành cho người mắc bệnh Thalassemia sẽ cần có sự cân giữa các yếu tố “bữa ăn cân đối, đủ chất, ít chất sắt, nhiều canxi”. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng lưu ý nhiều người thường có thói quen thấy thiếu máu là tự động uống viên sắt. Tuy nhiên, đối với những đối tượng mắc bệnh Thalassemia cần hết sức cẩn thận, không uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ đồng thời tránh tạo sự tăng hấp thu máu ở đường ruột bằng các loại thức ăn có nhiều chất sắt như: lòng heo, gan rau muống hoặc các loại có màu xanh đậm, các loại thực phẩm để khô, trái cây phơi khô hoặc thức ăn hữu cơ sấy khô lại. Riêng đối với trẻ em, cần khuyến khích ăn thêm những thực phẩm giàu đạm như: tôm, cá… để bù lại các thức ăn, yếu tố vi lượng hằng ngày của các cháu và tránh ăn sò huyết. Nếu ghi nhớ những nguyên tắc ăn uống kể trên, cộng với tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, những người mắc bệnh Thalassemia vẫn có thể duy trì được cuộc sống bình thường. Và mơ ước này cũng chính là mục đích của cả cộng đồng trong cuộc chiến lâu dài phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. TÀI LIỆU THAM KHẢO

* Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam, Bệnh nhân Thalassemia ăn gì cho khỏe? (2016), http://thalassemia.vn/bai-viet/tin-tuc/benh-nhan-thalassemia-an-gi-cho-khoe-d9863

* BS Trần Thị Thiên Kim, Bệnh nhân tan máu bẩm sinh nên ăn gì? (2015), Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP Hồ Chí Minh